Giỏ hàng

'Lĩnh Nam chích quái' - Huyền thoại huyền sử kể bằng tranh

Với mong muốn thể hiện lịch sử theo một cách khác, Tạ Huy Long tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới mẻ cho tác phẩm "Lĩnh Nam chích quái".

Lĩnh Nam chích quái (Chọn lựa những chuyện quái dị đất Lĩnh Nam) là một tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng. Tác phẩm xuất hiện từ đời Lý, Trần. Sang đời Lê sơ cuối thế kỷ 15, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã dựa vào các tài liệu đời trước để chỉnh sửa, sắp xếp lại và hoàn thành sách với 23 truyện.

Những truyện trong Lĩnh Nam chích quái vốn được truyền khẩu trong dân gian từ lâu đời, về sau mới được các nhà nho sưu tầm, viết lại. Lĩnh Nam chích quái trở thành tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Qua 700 năm, tác phẩm vẫn được tìm đọc và các tích truyện luôn là dòng chảy mãnh liệt trong đời sống văn hóa hôm nay.

Có lẽ, ít người Việt nào lớn lên mà chưa từng nghe ít nhất một truyện trong Lĩnh Nam chích quái. Trong tác phẩm này, có những truyện xuất hiện sớm, những thần thoại từ thời thái cổ như Họ Hồng Bàng, Truyện Tản Viên, Truyện Phù Đổng Thiên Vương… Lại có những truyện cổ tích thời Bắc thuộc như Giếng Việt, Truyện Nam Chiếu…

Những truyện là thần tích thời Lý - Trần như Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Truyện Hà Ô Lôi… Có những truyện gắn với nguồn gốc dân tộc Việt như Truyện Họ Hồng Bàng, Truyện Ngư Tinh, Truyện Hồ tinh, Truyện Mộc tinh…

Các câu chuyện liên quan tới phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Việt được kể trong sách như Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau, Truyện dưa hấu… Một số truyện có liên quan tới những di tích văn hóa cổ đại của dân tộc như Rùa vàng gắn với thành Cổ Loa, Hai vị thần Long Nhãn, Như Nguyệt gắn với 290 ngôi đền ven bờ sông Cầu và sông Thương…

Một tác phẩm văn chương quen thuộc và được đọc, được kể bao đời vẫn luôn hấp dẫn như vậy chính là chất liệu, là nền móng vững chắc để cho họa sĩ Tạ Huy Long tạo nên phiên bản Lĩnh Nam chích quái có minh họa được săn tìm mùa hè 2017.

Trong lần ra mắt đầu tiên, NXB Kim Đồng đã nhận định đây là sách quen thuộc, nên chỉ in cầm chừng với 2.000 cuốn. Nhưng sau ba tuần phát hành, lượng sách đã được mua hết. 3.000 bản in nối cũng nhanh chóng được tiêu thụ, nhà xuất bản tiếp tục phát hành để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Sở dĩ, cuốn sách được ưa thích như vậy nhờ phần tranh vẽ độc đáo, trình bày trên khổ giấy lớn, chất lượng in ấn đẹp. Mỗi cuốn sách giờ đây không chỉ in chữ chuyển tải tác phẩm văn học trung đại, mà trở thành một art book mang nhiều giá trị thẩm mỹ.

Tạ Huy Long không đơn thuần minh hoạ cho câu chuyện; anh kể lại lịch sử bằng tranh. Nếu như người đọc choáng ngợp bởi bức tranh Thánh Gióng ăn cơm làng với hình ảnh cậu bé to choán cả trang giấy gấp mười lần dân chúng xung quanh tả việc “hàng xóm sửa soạn trâu rượu bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng,” thì bức tranh cuối trong truyện Dưa hấu lồng ghép những toà thành như miếng dưa hấu tạo cảm giác kinh ngạc và trầm trồ trước sự đón nhật nồng nhiệt quả Tây qua tại kinh thành Hùng Vương.

Mỗi bức tranh của Tạ Huy Long đều thể hiện không gian và thời gian của giai đoạn lịch sử câu chuyện diễn ra. Bởi vậy, họa sĩ chú trọng và những chi tiết nhỏ mang tính thời đại. Thời Hồng Bàng, dân ta để tóc ngắn cho tiện việc đi lại săn bắn, và xăm hình Long Quân dưới dạng thuỷ quái khắp người để xác định dòng giống con Rồng. Hay thời Tần, long bào của Tần Thuỷ Hoàng hoàn toàn chỉ có màu đen bởi mệnh vua là mệnh thuỷ hợp huyền sắc.

Điểm mấu chốt làm nên thành công vượt trội của Lĩnh Nam chích quái không nằm hoàn toàn ở kỹ thuật vẽ tranh. Tranh truyện trong Lĩnh Nam chích quái gây dấu ấn vì tính chân thực - sự giao thoa văn hoá mạnh mẽ xuyên suốt lịch sử dân tộc từ những ngày đầu đến khoảng thế kỷ XII.

Trái với suy nghĩ thông thường, lịch sử ngoại giao Việt Nam thời phong kiến giai đoạn đầu không chỉ có kháng chiến và thương thảo với các thế lực xâm lược. Từ những ngày khởi nguyên, ở vị trí trung tâm của các nền văn hóa lớn bấy giờ, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho giao lưu và tiếp xúc văn hóa. Không chỉ tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa đa dạng từ phương Bắc, tổ tiên chúng ta đã có trao đổi tư tưởng và tập quán với các vùng đất phương Nam xa xôi như Chiêm Thành và Ấn Độ. Họa sĩ lột tả tinh tế sự “giao thoa văn hoá" trong các bức vẽ của mình. Các hình vẽ về quái vật thần thú được lấy cảm hứng từ tranh vẽ truyền thống của nhiều quốc gia. Hình về các thế lực phương Bắc cũng được lột tả như trong nền văn hóa cổ xưa của họ, ví dụ như vua Thành Vương nhà Chu trong truyện Chim bạch trĩ gợi nhớ đến những bức hoạ chân dung hoàng đế Trung Quốc thời Xuân Thu, khác biệt hẳn với hình vẽ hai người Văn Lang ở trang kế.

Kể chuyện Chiêm Thành, hoạ sĩ vẽ tượng thần màu đen có vòng cổ và yếm, lại vẽ hình đầu người có mũ miện y hệt văn hoá Chăm Pa. Vẽ tranh đạo Phật, anh xếp bốn bức hình tượng đủ bốn màu da với mũ tăng, tai Phật, tựa cho bốn vị Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Long. Nét vẽ ấy cũng thể hiện triết lý sâu sắc của Phật giáo trong thế giao thoa với văn hóa bản địa vẫn nằm ẩn đằng sau mỗi truyện “chích quái".

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện tranh vẽ cho Lĩnh Nam chích quái, Tạ Huy Long đã tâm niệm phải làm sao để ấn bản tranh có thể thu hút được những độc giả trẻ, độc giả của ngày hôm nay. Sáu tháng lên ý tưởng và hoàn thành bản vẽ, cộng với kinh nghiệm vẽ truyện tranh lịch sử nhiều năm, Tạ Huy Long hiểu rằng “Nếu mặc định văn hoá chỉ có một cái thuần nhất thì là tự trói mình, tự cho mình cái hàng rào cản". Càng vẽ, anh càng thấy cái mênh mông của văn hoá cuốn hút. Anh vẽ cởi mở và hào phóng, không cố gượng ép thêm thắt những hình ảnh truyền thống Việt Nam cố định.

Việc phải sử dụng lượng lớn kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc cũng không làm khó được họa sĩ. Sở dĩ, anh cảm thấy vui vẻ, thậm chí thấy được giải tỏa năng lượng trên chặng dài sáng tạo đó, bởi họa sĩ đã có một quá trình tích lũy kiến thức. “Với kiến thức, mình cứ như đi nhặt của cải tích vào một cái kho. Đi đâu cũng nhặt, nhặt, nhặt để đó. Tới lúc làm thì cứ tự nhiên lấy ra mà dùng. Nó tự nhiên lắm, không quá ư khổ công đâu. Cả quá trình là một niềm vui” – Tạ Huy Long nói. Với vốn kiến thức nền tích lũy bao năm, với mong muốn vẽ lịch sử theo một lối khác, Tạ Huy Long mang tới một hình dung sống động, lấp lánh cho những câu truyện cổ. Tranh trong Lĩnh Nam chích quái sử dụng kỹ thuật màu của tranh khắc gỗ, với tông màu đen kết hợp với một hoặc hai màu khác, tạo ra sự giản mộc. Với lối vẽ giản lược, hạn chế dùng nhiều màu, họa sĩ tập trung tối đa vào tạo hình, để mỗi bức tranh mang tầm phổ quát. Tạ Huy Long từng minh họa nhiều sách lịch sử với các bức tranh có rất nhiều chi tiết, diễn tả cặn kẽ câu chuyện. Nhưng tới Lĩnh Nam chích quái, họa sĩ chủ trương vẽ giản lược đi. Anh không minh họa lại bối cảnh, câu chuyện, không vẽ thêm để cho câu chuyện đẹp, tôn câu chuyện lên, mà chú trọng lột tả tinh thần câu chuyện như cách anh cảm nhận về nó.

Lĩnh Nam chích quái thành công về mặt phát hành, tạp hiện tượng xuất bản nhờ họa sĩ đáp ứng thị hiếu của độc giả trong thời đại toàn cầu hóa. Khi xã hội phát triển và giao lưu văn hoá diễn ra mạnh mẽ, điểm nhìn lịch sử cũng mở rộng và toàn diện hơn. Tạ Huy Long không chỉ thổi hồn vào cuốn sách mà còn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa: sự giao thoa văn hoá đồng nghĩa với những điểm nhìn lịch sử giao thoa.